Thông tin cá nhân
Họ và tên: Lê Yên Thanh
Sinh năm 1994 tại An Giang
Hiện là sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TPHCM
Thành tích nổi bật:
- Một trong 10 gương mặt trẻ VN tiêu biểu 2015
- Trưởng nhóm phát triển phần mềm Busmap, xuất sắc đạt giải Nhì năm 2015 và giải Khuyến khích năm 2014 của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin (CNTT).
- Giải Nhất cuộc thi Lập trình sinh viên Quốc Tế ACM/ICPC khu vực châu Á 2015
- Cúp Vàng Siêu cúp Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam
- Giải Đặc biệt Olympic Tin học Sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
- Giải thưởng Honda Y-E-S dành cho 10 kỹ sư và nhà khoa học trẻ Việt Nam năm 2015 và Gương điển hình tiên tiến toàn quốc.
- Tham gia nhiều hoạt động cộng đồng: Chương trình giao lưu thanh niên sinh viên Asian - Nhật Bản JENESYS 2.0; Ủy viên BCH Đoàn Trường ĐH Khoa học Tự nhiên; Ủy viên Ban thư ký Hội Sinh viên TPHCM...
Lê Yên Thanh tự tin chinh phục công ty công nghệ hàng đầu thế giới Google để được thực tập vào tháng 6/2016.
Chuẩn bị kỹ…
Sinh năm 1994, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015 Lê Yên Thanh được xem là “chàng trai vàng” của công nghệ tin học nước nhà khi sở hữu bảng thành tích đáng nể với gần 100 giải thưởng, huy chương danh giá về tin học trong nước và quốc tế.
Chàng sinh viên năm cuối trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia TPHCM không giấu nổi niềm vui khi được Google nhận thực tập. Thành tích này không phải là may mắn, đó là kết quả của quá trình chuẩn bị hiện thực mục tiêu rõ ràng và quyết tâm của nam sinh 9X.
Đây là mục tiêu trọng điểm mà chàng trai An Giang đặt ra từ những năm đầu đại học. Để có thể vượt qua các “cửa ải” của Google, Thanh phải chuẩn bị rất đầy đủ về kiến thức chuyên môn, có tư duy nhạy bén và khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt.
“Em biết đến cơ hội thực tập tại Google sau một lần xem qua trên website tuyển dụng của công ty. Em đã có một quá trình chuẩn bị khá dài cho việc đi thực tập ở nước ngoài và em thật sự chưa biết nên chọn công ty nào cho đến khi thấy được thông tin về thực tập của Google.
Trong suốt khoảng thời gian ở Việt Nam ngoài việc học trên lớp em luôn tự tìm tòi nghiên cứu về các kiến thức chuyên môn trong tin học, ngoài ra em cũng tự bồi dưỡng cho mình về các kĩ năng cần thiết như ngoại ngữ, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc nhóm….
Em nghĩ việc khó nhất là phải giao tiếp một cách lưu loát về chuyên môn khi trả lời phỏng vấn từ các nhân viên của Google, bởi lẽ những câu hỏi của họ vốn đã khó rồi mà ta không thể hiểu được họ hỏi gì thì chắc chắn không thể nào trả lời được”, Thanh nói.
Thanh cho biết mình đã tìm hiểu thủ tục, hồ sơ kĩ càng để giới thiệu về bản thân. Những thành tích nổi trội trong lĩnh vực CNTT đã giúp chàng trai Việt “lọt mắt xanh” của “gã khổng lồ công nghệ”. Sau khi vượt qua vòng hồ sơ là vòng "đấu trí" online kéo dài 45 phút với các chuyên gia của Google.
Anh chàng trưởng nhóm phát triển phần mềm Busmap đã xuất sắc đạt giải Nhì Nhân tài Đất Việt năm 2015 do báo điện tử Dân trí tổ chức.
Màn “đấu trí” kịch tính với chuyên gia của Google
Sau khi chào hỏi, giới thiệu tên, nhà tuyển dụng bắt đầu đi thẳng vào phần kiểm tra trình độ. Trong 30 phút đầu, đại diện Google đưa ra những câu hỏi xoáy sâu vào lĩnh vực ứng viên đã đăng ký từ trước, tập trung phần thuật toán và lý thuyết để thể hiện khả năng tư duy logic, tầm hiểu biết về máy tính, tin học... Dù chuẩn bị chu đáo về phần chuyên môn nhưng không ít giây phút các câu hỏi khiến chàng trai trẻ bất ngờ.
Các câu hỏi Thanh nhận được tập trung phần thuật toán và lý thuyết để thể hiện khả năng tư duy logic, tầm hiểu biết về máy tính, tin học... Bên cạnh việc kiểm tra trình độ, kiến thức, nhà tuyển dụng cũng để mắt đến phong thái tự tin, phản xạ nhạy bén của ứng viên khi trả lời câu hỏi.
Thanh tiết lộ thêm, sau khi vượt qua vòng phỏng vấn online, ứng viên sẽ trải qua tiếp một vòng phỏng vấn điện thoại trực tiếp. Tiêu chí của vòng này là để Google kiểm tra thêm một lần kỹ năng giao tiếp bằng Tiếng Anh của ứng viên, trước khi quyết định cấp visa và gửi thư chúc mừng.
“Nội dung chuyên môn của câu hỏi thì họ quy định là không được tiết lộ em nên không thể chia sẻ được”, Thanh nói.
Yên Thanh cho biết, khá vui mừng và háo hức chờ tới ngày thực tập tại thung lũng Silicon. Từng được thực tập tại một số công ty lớn trong nước và nhận được những lời mời công việc hấp dẫn nhưng Thanh đã từ chối vì mong muốn có những trải nghiệm mới lạ, tìm kiếm những thử thách tầm cỡ quốc tế.
Yên Thanh bộc bạch số lần thất bại còn nhiều hơn rất nhiều so với các giải thưởng và thành công mà anh đang có.
Quyết tâm dẫn đến thành công
Nói về bí quyết để thành công với đam mê của mình, Thanh cho rằng, nhân tố quan trọng hàng đầu và duy nhất đó là quyết tâm của bản thân: “Đúng là em đã có rất nhiều giải thưởng và thành công nhưng sự thật thì số lần thất bại còn nhiều hơn thế.
Chỉ là vì khi thất bại thì ít ai biết tới nên lúc nào mọi người cũng nghĩ em vốn có năng khiếu thông minh nên mới đạt được nhiều thành tích như vậy. Thật sự em nghĩ điều làm em có thể thành công là nhờ vào những thất bại mà em gặp phải. Mỗi lần thất bại sẽ là một lần em tìm ra điểm yếu của mình để hoàn thiện bản thân mình hơn”.
Thanh cho hay, trong tháng 6 này, em sẽ tham gia thực tập tại một trong các dự án của Google tại Mountain View.
Chàng trai An Giang bộc bạch: “Ước mơ lớn nhất của em đó là có thể làm ra những sản phẩm về CNTT giúp cho cuộc sống con người trở nên tốt hơn. Và hi vọng rằng trong tương lai sự phát triển của CNTT tại Việt Nam ngày càng mạnh mẽ và theo kịp các nước tiên tiến trên thế giới”.
Lệ Thu